Thất thoát lớn trong đầu tư xây dựng

Nhưng dù con số đó có đúng hay không, thì sự thất thoát trong đầu tư xây dựng là có thật. Nguyên nhân của thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng dù ở khâu nào, gần đây cũng dần dần giảm đi trước sức ép của xã hội. Có điều, nhiều người biết nhưng ít nói đến nguyên nhân thất thoát, lãng phí lớn nhất vẫn là chủ trương đầu tư và khâu quyết định đầu tư. Lâu nay, đã hàng trăm bài báo về những công trình đầu tư không hiệu quả, những công trình đầu tư xong “đắp chiếu”, đã thấy đất nước đang mất đi nhiều tỷ đồng mà không có cá nhân nào, ngành nào chịu trách nhiệm. Đặc biệt, những người quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.


Dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường tại Nam Định vẫn còn ngổn ngang, “mịt mù” ngày hoàn công.

Đối với các công trình đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, vốn vay Ngân hàng, trong đó có những công trình do thời gian, do sự biến động của thị trường và do thi công nhiều năm khiến các khi công trình khi đưa vào hoạt động không có hiệu quả. Nhưng nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình, người ta cố tình đưa các số liệu không trung thực để biến một công trình không khả thi trở thành “khả thi” để lấy vốn Nhà nước.

Chính vì vậy, đã tạo thành những “đường dây” chạy vốn và việc chạy vốn kiểu này đã tạo cho nhiều “đại gia” có “uy quyền” ở các địa phương khi “chạy” được vốn và các địa phương rất “kiêng nể” họ và dẫn đến nhiều công trình chất lượng kém, vừa hoàn thành công trình đã xuống cấp. Một số công trình mặc dù không có kế hoạch vốn, vì lý do “chạy mạnh” thế là cũng được cấp một ít vồn gọi là “vốn mồi” để làm cơ sở ghi kế hoạch những năm tiếp theo. Và kiểu đầu tư dàn trải này đã tạo cho nhiều công trình thiếu vốn, thi công nhiều năm và đã tạo ra nhiều công trình “đắp chiếu”.

Một nguồn vốn khác thất thoát không nhỏ là thông qua dự án đầu tư để vay vốn Ngân hàng. Có những dự án đầu tư, chủ đầu tư biết rõ việc đầu tư là không có hiệu quả, nhưng không hiểu tại sao qua rất nhiều khâu thẩm định mà Ngân hàng vẫn tiếp tục cho vay vốn đầu tư? Hậu quả để lại là những công trình đầu tư xây dựng xong hoạt động không có hiệu quả hay phải ngừng hoạt động và “đắp chiếu”.

Hiện nay, có bao nhiêu công trình đầu tư không hiệu quả, bao nhiêu công trình đầu tư rồi “đắp chiếu”, với tổng số vốn bao nhiêu? Thì chắc chắn lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội có thể không nắm được thông tin này vì không có báo cáo các số liệu đầy đủ và chung thực. Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan “phân phát” vốn, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý tổng hợp về nguồn vốn cho vay đầu tư và các một số cơ quan có trách nhiệm cấp phát vốn không thể không có danh sách các loại công trình này và các số liệu về đầu tư liên quan.

Quay lại câu chuyện đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản xin cấp vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan, mặc dù các chương trình đầu tư của đất nước trong giai đoạn dài hạn, trung hạn, ngắn hạn được thông qua Chính phủ hay Quốc hội thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn là cơ quan đầu mối đưa ra danh sách các dự án đầu tư trong từng giai đoạn nêu trên để trình. Mặc dù biết chắc chắn là công trình Bệnh viện đa khoa 700 giường đang cần vốn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, để đáp ứng mục tiêu khám và chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, theo đúng mục tiêu ban đầu dự án đề ra.


Chính phủ cần chấn chỉnh kịp thời kiểu “chạy vốn”, cấp vốn dàn trải như hiện nay, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra các tình trạng công trình “đắp chiếu”.

Nhưng trong chương trình đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 thì Bệnh viện này không có tên trong danh sách tiếp tục đầu tư, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Trung ương giai đoạn trung hạn 2016-2020, lại dự kiến đầu tư dự án Bệnh viện y học cổ truyền “giai đoạn 2” và dự án xây dựng Trung tâm da liễu mà không tiếp tục ghi vốn đầu tư cho Bệnh viên đa khoa 700 giường.

Như vậy, tới năm 2020 kiểu cấp vốn dàn trải này thì tỉnh Nam Định có thể có thêm 02 công trình đắp chiếu nữa và đất nước sẽ có thêm nhiều công trình “đắp chiếu”.

Liệu có thể giải cứu những công trình loại này?

Hiện nay, toàn đất nước có bao nhiêu công trình dở dang đang “đắp chiếu”, bao công trình đầu tư không hiệu quả? Tổng số nguồn vốn đầu tư cho các công trình này là bao nhiêu? Thì Bộ kế hoạch và Đầu tư là cơ quan phân phát vốn đầu tư không thể không biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thể không biết. Đây không phải câu chuyện bí mật Quốc gia chính vì vậy danh sách các loại công trình này phải được báo cáo trung thực, đầy đủ trước Chính phủ, Quốc hội và nhân dân. Hiện nay, chính sách đầu tư dưới nhiều hình thức theo dạng hợp tác đầu tư công tư đã được Nhà nước ban hành, Chính phủ nên phân loại và kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư hoặc bán các công trình đã hoàn thiện.

Chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư phần còn lại hoặc mua dự án đã đầu tư xong để trả lại cho công trình có “đời sống” như mục tiêu ban đầu mà dự án đã đề ra. Làm được điều này sẽ lấy lại một nguồn vốn lớn của đất nước, đang có nguy cơ thất thoát lãng phí.

Với công trình Bệnh viện đa khoa 700 giường Nam Định, nếu kêu gọi đầu tư thì chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn đầu tiếp tục xây dựng hoàn thiện, dưới hình thức Cty cổ phần, trong đó nguồn vốn Nhà nước chiếm giữ bằng tổng số vốn đã đầu tư và công trình sẽ sớm được đưa vào hoạt động có hiệu quả, đúng mục tiêu dự án đề ra ban đầu, với các công trình khác cũng sẽ tương tự như vậy.

Luật Xây dựng, Luật đầu tư công cũng đã có quy định xử lý trách nhiệm pháp luật đối với cá nhân có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng các công trình mà không có hiệu quả (đặc biệt là công trình đắp chiếu) nếu được xử lý theo quy định của pháp luật thì chăc chắn tình trạng lãng phí ngân sách Nhà nước sẽ giảm.

Mặt khác Chính phủ cần chấn chỉnh kịp thời kiểu “chạy vốn”, cấp vốn dàn trải như hiện nay, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra các tình trạng công trình “đắp chiếu”. Nếu làm được như vậy sẽ hạn chế phần lớn tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.

Duy Nguyên